Thứ 6, 19/04/2024 22:30:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:06, 21/10/2019 GMT+7

15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 - NQ/TW ở Bình Phước

Thứ 2, 21/10/2019 | 16:06:00 414 lượt xem

BPO - Ngày 12-3-2003, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 24 - NQ/TW “về công tác dân tộc”. Thực hiện nghị quyết này, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 20 - CTr/TƯ ngày 16-3-2003. Tiếp đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có Nghị quyết số 05/2005/NQ - HĐND về thông qua Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn; Nghị quyết số 07/2006/NQ - HĐND thông qua 10 dự án phát triển cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS lồng ghép với Chương trình 134; Nghị Quyết số 02/2018/NQ - HĐND ngày 12-7-2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt một số chính sách hỗ trợ đặc thù đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước giai đoạn 2018 - 2020…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp xóa đói, giảm nghèo:

Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh và các chương trình, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân tộc và đã tăng cường chỉ đạo, đây mạnh công tác tuyên truyền vận động, giáo dục cho đồng bào thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Trong những năm qua, nhiều cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng đầu tư, với hơn 700 tỷ đồng cho nhiều công trình thiết yếu các loại, hệ thống đường liên huyện, liên xã, liên thôn đã được đầu tư làm mới, tiến hành nâng cấp nhiều tuyến đường quan trọng tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa và phát triển thương mại, dịch vụ. Đến nay, toàn tỉnh có trên 500 tuyến đường với chiều dài hơn 8.000km, trong đó Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 đang tiếp tục được nâng cấp mở rộng; các tuyến đường tỉnh (ĐT 741, ĐT 322...) nhựa hóa đạt gần 99%. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đối, 100% số xã đã có đường nhựa đến trung tâm, tỷ lệ hộ có điện đạt trên 98%, gấp 6 lần so với năm tái lập tỉnh.

Các hoạt động tập huấn, chuyển giao KHKT, chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; công tác phòng chống dịch, bệnh trên gia súc, gia cầm..., cho đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp ngành quan tâm thực hiện; thực hiện dự án hỗ trợ phát triển đàn trâu 132 con/66 hộ đồng bào DTTS theo hình thức luân chuyển 2 năm/lần; hỗ trợ 84 con trâu/40 hộ đồng bào DTTS từ nguồn xây dựng nông thôn mới; thực hiện 32 mô hình trình diễn chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng lực hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi gà, heo, bò, trồng lúa lai, ngô lai, trồng cây đậu xanh xen cây ngô nếp, mô hình thâm canh, xen ghép, cải tạo vười điều cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo cán bộ xã nghèo, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn được ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho đồng bào cách làm ăn mới. Từ đó xuất hiện nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi, có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả quan trọng. Cụ thể, sau 2 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2004-2005, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 8,56% (12.938 hộ) trên tổng số hộ dân vào đầu năm 2004 đã giảm xuống còn 4% (6.040 hộ) vào cuối năm 2005, giảm tương đương 3,56 điểm %. Giai đoạn 2006 — 2010 (thực hiện chuẩn theo Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg), số hộ nghèo toàn tỉnh từ 11,2% (19.206 hộ) trên tổng số hộ dân vào đầu năm 2006 đã giảm xuống còn 4,30 % (9.486 hộ) vào cuối năm 2010, tương đương 6,90 điểm %. Giai đoạn 2011-2015 (thực hiện chuẩn nghèo theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg), theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo vào đầu năm 2011, toàn tỉnh có 15.740 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo DTTS là 6,932 hộ, chiếm 44,04% hộ nghèo của tỉnh, thì đến cuối năm 2015 giảm còn lần lượt là 7.224 hộ nghèo chiếm 2,96% dân số tỉnh, tương đương giảm 3,94 điểm % so năm 2016. Trong đó hộ nghèo DTTS là 3.479 hộ, chiếm 48,16% số hộ nghèo toàn tỉnh. Giai đoạn 2016-2020 (thực hiện chuẩn nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ - TTg), vào đầu năm 2016 toàn tỉnh có 14.627 hộ nghèo, chiếm 6,15% dân số, trong đó hộ nghèo DTTS là 6.490 hộ, chiếm 44,37% trong tổng số hộ nghèo. Đến năm 2018, toàn tỉnh còn 8.614 hộ nghèo, chiếm 3,55% trên tổng số hộ dân, tương đương giảm 2,6% so năm 2016. Trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 4.545 hộ chiếm 52,76% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (giảm 1.945 hộ nghèo DTTS so năm 2016).

Công tác cấp đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh quan tâm thực hiện. Đến nay, tỉnh đã tiến hành bố trí trên 2.884,32 ha để thực hiện cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình 134 là 1,786,87 ha, cấp cho 2.481 hộ; Chương trình ĐCĐC cấp cho 681 hộ; Chương trình 755 là 33,4 ha cấp cho 47 hộ; Dự án Phước Hòa 114 ha cấp cho 114 hội; dự án Đa Bông Cua huyện Bù Đăng 136,14 ha cấp cho 103 hộ. Hỗ trợ nhà ở cho 2.682 hộ, nước sinh hoạt cho 3,793 hộ; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi 4.287 hộ, vật tư nông nghiệp 7.926 hộ, công cụ sản xuất, máy móc phục vụ sản xuất 5.409 hộ; Chuyển đổi nghề cho 1.275 hộ; Mở 91 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 3.508 hộ. Tỉnh cũng đã vận động được hơn 100 tỷ đồng tỉnh để trồng gần 4.000 ha cao su làm quỹ “an sinh xã hội”. Trong 15 năm qua, Ban vận động “ngày vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã nhận được trên 115,8 tỷ đồng và đã làm mới 6.238 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo là đồng bào DTTS trong tỉnh trị giá trên 75 tỷ đồng, góp phần tạo sự phấn khởi và niềm tin sâu sắc của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Đời sống tinh thần của đồng bào DTTS được nâng cao

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 - NQ/TW “về công tác dân tộc”, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS ở Bình Phước không ngừng được nâng cao. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phổ biến và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được tỉnh quan tâm. Ngành văn hóa đã tiến hành trưng bày chuyên đê “Truyền thông Bom Bo”, “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Bình Phước”; phục dựng lễ hội cầu mưa, lập làng mới của người S’tiêng Bình Phước; lễ hội phá bào của đồng bào Khơme; thực hiện các dự án: nghiên cứu về đám cưới, phong tục tập quán, trang phục truyền thống, chế biến rượu cần của đồng bào S’tiêng, Khơme, Mơnông,... Qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống vãn hóa ở khu dân cư”, đến nay đã có nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiêu số đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Bên cạnh đó tỉnh đã xây dựng được 214 nhà văn hóa cộng đồng, thôn ấp theo đặc trưng phong tục, tập quán của từng vùng đồng bào dân tộc, đảm bảo địa điểm sinh hoạt văn hóa cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau 15 năm đời sống tinh thần của đồng bào DTTS ở Bình Phước được nâng lên rõ rệt - Ảnh: Thái Hà

Công tác giáo dục - đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực được tỉnh chú trọng đầu tư, huy động tổng hợp các nguồn lực để đẩy mạnh chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Hằng năm, tỉnh đều ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu giáo dục cho đồng bào dân tộc, nhất là mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trung học cơ sở và đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên dân tộc thiểu số. Đến nay tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 98%, trẻ đi học mẫu giáo đạt 96%. 100% số xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; đạt chuẩn quốc gia phổ cập trung học cơ sở; 6/11 trường đạt chuẩn quốc gia phổ cập trung học phổ thông; có 101/462 trường đạt chuẩn quốc gia.

Toàn tỉnh hiện có 6 trường DTNT với gần 1.500 học sinh và 300 cán bộ công nhân viên, hiện tỉnh đang triển khai xây dựng thêm 1 trường PTDTNT - THCS ở huyện Bù Đốp (huyện biên giới). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3 trường phổ thông dân tộc bán trú là: Tiểu học Lộc Khánh, THCS Lộc Hòa huyện Lộc Ninh và trường Tiểu học - THCS Kim Đồng, thị xã Bình Long. Chất lượng công tác giáo dục được nâng cao bằng các hình thức vận động, khuyến khích, dạy phụ đạo học sinh yếu kém, thực hiện các chính sách đầu tư kịp thời đối với các trường dân tộc nội trú, bán trú; dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ quản lý, giáo viên vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện chương trình tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học dân tộc thiểu số.

Công tác cử tuyển học sinh theo Nghị định 134/2006/NĐ - CP ngày 14-11-2016 của Chính phủ Trong giai đoạn 2006 - 2017 tỉnh đã thực hiện cử tuyển 828 em học sinh đi học tại các trường cao đẳng, đại học, trung cấp trong và ngoài tỉnh, đã tốt nghiệp 252 em, được bố trí việc làm cho 222 em, còn 30 em đang chờ bố trí công tác; có 248 em nghỉ học (tự nghỉ học, bị đuổi học...). Hiện nay, tỉnh còn 328 em đang theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Ngoài chính sách của Trung ương tỉnh còn thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí cho sinh viên DTTS, sinh viên DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện cử tuyển với tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2009 “2017 gần 3 tỷ đồng”.

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 27,5 giường (năm 2003 là 12,17 giường); tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 7,5 bác sĩ (năm 2003 là 4,02 bác sĩ); 100% trạm y tế có nữ hộ sinh; 99,5% thôn, ấp có nhân viên y tế. Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm đầu tư xây dựng mới cũng như được nâng cấp. Cụ thể: Trong những năm qua tỉnh đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 28 trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mua sắm thiết bị y tế cho 22 trạm với tổng kinh phí là 14 tỷ đồng. Hiện 100% đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, vùng sâu, vùng xa được miễn viện phí khi vào điều trị tại các cơ sở nhà nước.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 - NQ/TW, đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Bình Phước đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Bộ mặt nông thôn ở các vùng sâu, vùng xa và đặc biệt là vùng đồng bào DTTS đã và đang thay đổi từng ngày. Vì vậy, có thể khẳng định trằng, Nghị quyết số 24 - NQ/TW thực sự là một động lực góp phần to lớn vào việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở vùng đồng bào DTTS trên quê hương Bình Phước.

QM

  • Từ khóa
30752

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu