Thứ 6, 29/03/2024 22:23:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:49, 19/11/2018 GMT+7

100% công chức, viên chức sẽ phải sử dụng hộp thư công vụ

Thứ 2, 19/11/2018 | 08:49:00 1,073 lượt xem
BP - Theo Kế hoạch số 229/KH-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 29-10-2018 về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước năm 2018, tỉnh sẽ dành ngân sách 28,7 tỷ đồng để đầu tư 14 dự án. Trong đó có 6 dự án sử dụng ngân sách; 8 dự án được hỗ trợ miễn phí, triển khai thử nghiệm không tính phí, hoặc ngân sách cấp huyện.

Kế hoạch đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Tăng cường ứng dụng CNTT kết hợp chặt chẽ với chương trình cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước. Xây dựng hạ tầng thông tin hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông, đảm bảo vận hành tốt mạng truyền số liệu chuyên dùng, các ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, đáp ứng tốt yêu cầu về xây dựng chính quyền điện tử. Tăng cường sử dụng văn bản điện tử theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Có 90% các văn bản, chỉ đạo điều hành được trao đổi qua môi trường mạng (trừ văn bản mật) hoàn toàn dưới dạng điện tử thông qua sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Đến năm 2020, đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thư điện tử thường xuyên cho công việc. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin với nhiều hình thức, thực hiện công tác chuẩn bị, đầu tư các hệ thống đảm bảo an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước của tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động cải cách hành chính ở bộ phận một cửa điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các huyện, thị xã...

Về phát triển hạ tầng kỹ thuật, tỉnh sẽ đầu tư phần cứng, hoàn thiện hệ thống trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa điện tử các cấp, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử đồng bộ, kết nối, bảo đảm an toàn an ninh thông tin. Bổ sung, nâng cấp hạ tầng về CNTT để đảm bảo cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được trang bị máy tính nối mạng phục vụ công việc. 100% cơ quan đảng, nhà nước triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng trong ứng dụng các phần mềm dùng chung. 100% cuộc họp trực tuyến giữa cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được tổ chức. Lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh công cộng và kiểm soát trật tự an toàn giao thông, quản lý trật tự xã hội nhằm giảm thiểu vi phạm giao thông và trật tự an toàn xã hội.

Trong nội bộ cơ quan nhà nước, 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh kết nối vào trục liên thông quản lý văn bản của tỉnh để gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính; 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hộp thư công vụ của tỉnh trong công việc; 80% các cơ quan, đơn vị được tích hợp chữ ký số.

Phục vụ người dân và doanh nghiệp, bảo đảm 100% bộ phận một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến tại cấp huyện kết nối lên cấp tỉnh, 50% cấp xã kết nối lên cấp huyện. Đến hết tháng 12-2018, thực hiện 100% trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) tại thị xã Đồng Xoài, huyện Đồng Phú, huyện Chơn Thành và các xã, phường, thị trấn trực thuộc. Thường xuyên cập nhật thông tin và rà soát nội dung trên cổng thông tin điện tử của tỉnh theo quy định, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, cung cấp thông tin phục vụ tốt cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Các tổ chức, doanh nghiệp và công dân biết sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, mức độ 3 và mức độ 4 qua mạng...

H.N

  • Từ khóa
24257

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu