Thứ 5, 25/04/2024 16:52:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:04, 01/11/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY ĐỔI TÊN HUYỆN BÌNH LONG THÀNH HỚN QUẢN

10 năm xây dựng, phát triển và hội nhập

Thứ 6, 01/11/2019 | 10:04:00 142 lượt xem
BP - Huyện Hớn Quản được đổi tên từ huyện Bình Long (cũ) và hoạt động từ ngày 1-11-2009 theo Nghị quyết số 35 của Chính phủ. Xuất phát điểm về kinh tế, xã hội thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng với sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ huyện, sự quản lý, điều hành hiệu quả của chính quyền các cấp, sự phối hợp tích cực của mặt trận và các đoàn thể cùng sự đồng thuận của nhân dân, sau 10 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, Hớn Quản đã đạt nhiều thành tựu đáng tự hào.

Bứt phá trong phát triển kinh tế

Những ngày mới hoạt động, huyện Hớn Quản gặp không ít khó khăn do cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; các cơ quan, đơn vị phải làm việc trong những trụ sở tạm, mượn với bộn bề khó khăn. Bên cạnh đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 18,4 triệu đồng/năm. Trước những thách thức ấy, Đại hội Đảng bộ huyện khóa X, nhiệm kỳ 2010-2015 đã thông qua nghị quyết, đề ra 41 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị; Đại hội Đảng bộ huyện khóa XI, nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục đề ra 27 chỉ tiêu, cụ thể hóa thành 15 đề án, kế hoạch tập trung chỉ đạo, thực hiện.

Lực lượng vũ trang và đoàn viên thanh niên huyện Hớn Quản chung tay làm đường giao thông nông thôn

10 năm - khoảng thời gian chưa dài để xây dựng và phát triển của một địa phương còn nhiều khó khăn trở thành giàu có. Nhưng giờ đây, nói đến Hớn Quản là nói đến sự phát triển của kinh tế trang trại với những mô hình trồng trọt - chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại đáp ứng tốt những yêu cầu khắt khe của thị trường. Toàn huyện hiện có 209 trang trại với tổng diện tích sử dụng 5.226 ha, 24 tổ hợp tác nông nghiệp gồm 168 tổ viên, 6 hợp tác xã với 134 thành viên. Những hình thức sản xuất này đã và đang thu hút một lực lượng lao động lớn, góp phần thay đổi diện mạo những vùng quê.

Sản xuất công nghiệp - xây dựng của huyện tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của tình hình trong nước và thế giới, nhưng Hớn Quản vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất năm 2018 ước đạt 780 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 152 doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong các ngành nghề sản xuất, như chế biến gỗ, nông sản, cao su, sản xuất gạch... Huyện đã bổ sung 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 100 ha và 3 khu công nghiệp: Tân Khai II, Minh Hưng - Sikico, Việt Kiều với tổng diện tích 919 ha để thu hút đầu tư. Đặc biệt, Nhà máy xi măng Minh Tâm đã khởi công xây dựng, khi hoạt động sẽ tạo bước đệm cho sự phát triển của huyện và thu hút, giải quyết việc làm cho đông đảo lao động trong khu vực.

Sự năng động, sáng tạo cùng với tranh thủ tối đa các nguồn vốn từ ngoại lực, các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn huyện, sau 10 năm, số dự án huyện đầu tư xây dựng là 157 công trình với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng. Những công trình khang trang, sạch đẹp từ các cơ quan, ban, ngành của huyện đến các công trình phục vụ dân sinh, nhất là đường giao thông nông thôn là minh chứng rõ nét cho sự đổi thay. 10 năm về trước, đường giao thông ở nhiều xã còn trong cảnh nắng bụi mưa lầy, đến nay đã được trải nhựa, bê tông xi măng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn, góp phần làm xanh - sạch - đẹp các vùng quê. Đến cuối năm 2018, huyện có 3 xã Thanh Bình, Tân Lợi, An Khương về đích nông thôn mới; Tân Khai trở thành thị trấn và là trung tâm đô thị đầu tiên của huyện; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 42,5 triệu đồng, tăng 24,1 triệu đồng so năm 2010...

Tích cực chăm lo đời sống nhân dân

Xác định giáo dục là quốc sách, là nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội, thời gian qua, huyện không ngừng nỗ lực đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Đến nay, toàn huyện có 49 trường, tăng 7 trường so năm 2010 và 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn theo quy định. Trong đó, 17 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tăng 17 trường so năm học 2009-2010 và đạt 100% so chỉ tiêu nghị quyết; duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 98%, tốt nghiệp THPT đạt 96%; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, vượt chỉ tiêu nghị quyết...

Đến nay, toàn huyện có 151 trạm thu phát sóng di động; 13/13 xã, thị trấn có trạm truyền thanh; 3 thư viện điện tử; tỷ lệ người dân sử dụng internet chiếm 90% dân số; số hộ sử dụng điện tính đến cuối năm 2018 đạt 98,15%. Các chương trình, mục tiêu, dự án y tế quốc gia được huyện triển khai đồng bộ và hiệu quả, thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Toàn huyện có 85% số xã đạt chuẩn về y tế; tỷ lệ 3,5 bác sĩ/vạn dân... Hằng năm, ngành y tế huyện tổ chức khám, chữa bệnh cho hơn 74 ngàn lượt bệnh nhân với công suất sử dụng giường bệnh 6,04 giường/vạn dân; thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng bảo hiểm y tế, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng khống chế dưới 8,7%, đạt chuẩn theo quy định.

100% số xã trên địa bàn huyện có sân bóng đá, bóng chuyền; 92% số ấp có nhà văn hóa; 25 câu lạc bộ văn nghệ, 80 câu lạc bộ thể thao và 95% ấp, sóc có các đội, nhóm văn nghệ tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú. Việc duy trì các lễ hội văn hóa dân gian và tạo dựng thêm một số lễ hội văn hóa đặc sắc. Các đình thần Tân Khai, Thanh An được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh. Lễ hội cầu bông đình thần Tân Khai gắn với hội chọi trâu đã trở thành điểm nhấn văn hóa thu hút khách thập phương về Hớn Quản trong những năm gần đây.

Qua gần 2 nhiệm kỳ, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hớn Quản đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2015. Niềm vui được nhân lên gấp đôi, bởi đúng dịp kỷ niệm 10 năm ngày đổi tên huyện Bình Long thành Hớn Quản, nhân dân và cán bộ huyện tiếp tục đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng.

Để công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai hiệu quả và bền vững, ngoài giải quyết, giới thiệu việc làm cho trên 30 ngàn lao động, huyện còn thực hiện tốt các chương trình, chính sách dành cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Các dự án được huyện triển khai tới cơ sở đã tạo điều kiện cho hộ nghèo được vay vốn, hỗ trợ, đẩy mạnh công tác khuyến nông... Huyện còn kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể và cả cộng đồng xã hội vào cuộc qua việc xây tặng nhà tình thương, tình nghĩa, tình đồng đội, hỗ trợ cây - con giống... cho các hộ khó khăn. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo đến đầu năm 2019 còn 627 hộ, chiếm 2,47%, giảm 1,13%, vượt chỉ tiêu nghị quyết giao. Đồng thời, quan tâm củng cố xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ. Hằng năm, công tác tuyển quân, tuyển sinh, tỷ lệ thanh niên nhập ngũ luôn đạt chỉ tiêu tỉnh giao; tỷ lệ tội phạm bình quân hằng năm giảm 3-5% và tai nạn giao thông giảm bình quân hằng năm trên 5%.

Hớn Quản hôm nay đã khoác trên mình chiếc áo mới với bạt ngàn màu xanh cao su, hồ tiêu, điều, cây ăn trái cùng với hàng trăm công ty, nhà máy mọc lên, tạo đà cho địa phương đạt những thành tích cao hơn trong chặng đường sắp tới. Vẫn biết còn nhiều khó khăn, thử thách, song từ nền tảng vững chắc hôm nay sẽ là hành trang để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong huyện tự tin làm nên những thành tựu mới.

Vũ Long Sơn Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản

  • Từ khóa
30994

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu