Thứ 4, 24/04/2024 20:13:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:56, 20/05/2017 GMT+7

10 năm đồng hành với doanh nghiệp dưới góc nhìn PCI

Thứ 7, 20/05/2017 | 09:56:00 120 lượt xem

BP - 10 năm qua (2005-2016), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thực sự đã trở thành kênh quan trọng để nhìn nhận sự điều hành và phát triển của bộ máy công quyền tại địa phương. Với doanh nghiệp (DN), PCI là công cụ quan trọng để bày tỏ yêu cầu đối với chính quyền. Với Nhà nước, PCI giúp chính quyền nhìn nhận rõ hơn vấn đề điều hành hoạt động kinh tế, điều chỉnh chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn tại tỉnh. Đây cũng là thước đo cho thấy khoảng cách cần phải lấp đầy trong chính sách: Giữa thiết kế và thi hành; giữa ý tưởng và đòi hỏi của cuộc sống, DN cũng như người dân - đối tượng quan trọng nhất mà mọi chính sách phải phục vụ. Từ đó tỉnh tiếp tục có những định hướng phù hợp.

Thay đổi tư duy điều hành mang tính đột phá

Đây là “cái được” lớn nhất mà PCI mang lại. Cải thiện điểm số PCI về bản chất là nỗ lực cải thiện năng lực điều hành của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Thông qua PCI, lãnh đạo tỉnh có thể nhận ra điểm mạnh, điểm yếu cũng như những cơ hội, thách thức của mình. Từ đó có giải pháp theo lộ trình để từng bước khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh và xác định đây là công việc thường niên.

Đồng chí Huỳnh Thị Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thực hiện cải thiện PCI năm 2017

Đồng hành với PCI, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành hữu quan luôn nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh, thay đổi tư duy quản lý, nhận thức từ “quản lý DN” sang “phục vụ DN”. UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thị tập trung thực hiện nghiêm túc về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Đảm bảo công khai minh bạch, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị... Từ đó đã có nhiều bước chuyển mới.

Điển hình như chủ trì, chịu trách nhiệm chỉ số “chi phí gia nhập thị trường”, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh và cấp phép. Đồng thời, tin học hóa quy trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hồ sơ; liên thông cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư và các giấy tờ khác. Nhờ đó thời gian, chi phí của DN đã được tiết kiệm đáng kể. Cụ thể, thời gian đăng ký DN năm 2008 là 17,5 ngày thì nay chỉ còn 7 ngày; đăng ký lại DN năm 2008 là 10 ngày nay chỉ còn 3 ngày.

Sở Công thương chịu trách nhiệm cải thiện chỉ số “dịch vụ hỗ trợ DN” cũng đã đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế vào phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ, trung tâm thương mại, khai thác và quản lý chợ. Sở thường xuyên tiếp xúc, trao đổi thông tin với các hiệp hội, DN để giải đáp vướng mắc, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu, được DN đánh giá cao.

Qua PCI, không chỉ tiếng nói của DN được đề cao mà chính quyền cũng nhận ra phải hướng đến sự hài lòng của người dân và DN nếu muốn phát triển. PCI đã lượng hóa được các chỉ số về sự hài lòng của người dân và DN; thúc đẩy sự thay đổi không chỉ ở thái độ mà còn là hoạt động cụ thể của chính quyền các cấp. Từ đây, rất nhiều sáng kiến mới cải cách bộ máy chính quyền, thủ tục hành chính... đã được thực hiện.

Cần nhiều giải pháp quyết liệt

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính nhưng sau nhiều thăng trầm, hiện vị trí xếp hạng PCI của tỉnh ở mức cuối trung bình. Trong đó, nhiều chỉ tiêu đánh giá chất lượng của công tác quản lý nhà nước có vị trí xếp hạng thấp; kết quả về thu hút đầu tư như hiện nay chưa tương xứng với điều kiện, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.

Ngoài nguyên nhân khách quan, Bình Phước là tỉnh nghèo khi chưa cân đối được ngân sách, nguồn lực dành cho đầu tư và hỗ trợ khuyến khích DN chưa tương xứng, nội lực kinh tế yếu dẫn đến việc cải thiện hệ thống hạ tầng khó khăn thì nguyên nhân chủ quan chính từ sự điều hành, phối hợp giữa các cấp, ngành, tỉnh với huyện, thị xã chưa tốt. Từ đó chưa phát huy hết các nguồn lực, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến DN. Ngoài ra, chưa có công cụ, thước đo đánh giá mức độ hoàn thành của từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Một bộ phận cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ còn gây phiền hà, nhũng nhiễu, khó khăn cho DN nhằm thu lợi riêng.

Không thể phủ nhận việc lãnh đạo tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo thể hiện quyết tâm cải thiện PCI. Cụ thể như: Quyết định số 2454/QĐ-UBND ngày 12-11-2008 của UBND tỉnh ban hành về Chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Bình Phước; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 27-9-2013 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện PCI; Chương trình hành động số 116/CTr-UBND ngày 9-6-2014 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Song song đó là hàng loạt quyết định về việc kiện toàn tổ công tác thực hiện PCI. Đặc biệt, với sự ra đời của Trung tâm Hành chính công là một nỗ lực lớn. Điều đó cho thấy công tác chỉ đạo thực hiện PCI được lãnh đạo tỉnh chú trọng quan tâm. Tuy nhiên, ở một số đơn vị PCI chưa thực sự sâu sát. Lãnh đạo, cán bộ, công chức một số sở, ngành chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, mục đích của chương trình PCI và tác dụng trong cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế tỉnh dẫn đến kết quả PCI không như mong đợi.

Những năm gần đây, UBND tỉnh đã duy trì thường xuyên việc tổ chức gặp mặt, đối thoại với cộng đồng DN. Nhưng do số DN tăng theo thời gian, vướng mắc cũng phát sinh nhiều nên các cuộc tiếp xúc vẫn chưa thỏa mãn tất cả nhu cầu của DN. Vì vậy cần tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, DN ở nhiều cấp độ khác nhau từ tỉnh đến cơ sở, sở, ngành để hỗ trợ nhà đầu tư, DN giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Từ đó mới mong thật sự đem đến sự hài lòng cho các nhà đầu tư, DN. Tăng cường tham vấn, phát huy vai trò, trách nhiệm các hội, hiệp hội trong việc là cầu nối giữa DN và chính quyền, đồng thời thực hiện vai trò phản biện để đảm bảo các chính sách, pháp luật được ban hành và thực thi có hiệu quả. Tập trung nguồn lực, ngân sách thực hiện chính sách hỗ trợ DN, đào tạo lao động. Phát huy vai trò của các tổ chức dịch vụ công, triển khai thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, hỗ trợ pháp luật... Xây dựng chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thực hiện các dịch vụ hỗ trợ DN.

Chỉ có thực hiện đồng bộ và quyết liệt từng giải pháp gắn liền với thưởng phạt nghiêm minh mới làm trong sạch được đội ngũ “phục vụ DN”. Từ đó từng bước lấy lại niềm tin, sự kỳ vọng của DN, lấy lại vị thế PCI tốt mà tỉnh từng đạt được để đưa Bình Phước phát triển bền vững.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
41620

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu